Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước góp phần chuyển đổi số tỉnh Nam Định

1. Mở đầu

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX; Thực hiện kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh Nam Định về  chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Với trách nhiệm ngành KH&CN được giao: Xây dựng chương trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) để nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các công nghệ mới về chuyển đổi số. Trong năm qua Sở KH&CN Sở đã triển khai một sốnhiệm vụ KH&CN góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.

2. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước góp phần chuyển đổi số tỉnh Nam Định

2.1. Tham mưu ban hành chính sách

 Ngày 6/7/2022 Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 77 về một số chính sách tài chính trong hoạt động KH, CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Trong Nghị quyết này có nhiều hoạt động KH&CN được hỗ trợ, bên cạnh đó có một số nội dung liên quan đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phục vụ chuyển đổi số cũng được quan tâm và hỗ trợ.

2.2. Một số nhiệm vụ KH&CN góp phần chuyển đổi số tỉnh Nam Định

a. Chuyển đổi số trong giáo dục và từng bước xây dựng trường học thông minh

- Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tuyến và trực tiếp) tại trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và một số trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Kết quả của đề tài đã chứng minh tính khả thi của việc phối kết hợp giữa các hình thức tổ chức dạy học và phương pháp dạy học truyền thống với các hình thức tổ chức dạy học và phương tiện công nghệ hiện đại (thực chất là chuyển đổi số) đáp ứng sự phát triển của ngành giáo dục và nhu cầu học tập của học sinh.

Mô hình dạy học kết hợp (trực tiếp và trực tuyến) đã tận dụng được những ưu thế của công nghệ thông tin trong thời đại số hoá. Bên cạnh những nguồn học liệu truyền thống (Sách giáo khoa, tranh, ảnh, tài liệu tham khảo, hệ thống câu hỏi bài tập,…), giáo viên sử dụng các nguồn học liệu số (hình ảnh tĩnh/động, thí nghiệm ảo, video, sơ đồ, mô hình, bản trình chiếu, phần mềm, sách giáo khoa điện tử, hệ thống câu hỏi bài tập,…). Các thiết bị dạy học số có thể do chính giáo viên thiết kế, hoặc giáo viên sử dụng trên các kho dữ liệu số như https://igiaoduc.vn, http://rgep.moet.gov.vn, vietjack, OLM, chương trình truyền hình,…. Trong thế giới phẳng, kho học liệu số vô cùng phong phú, nhiệm vụ của giáo viên là phải biết lựa chọn nguồn học liệu phù hợp với nội dung bài học và trình độ nhận thức của học sinh; giáo viên và học sinh phải có trình độ công nghệ thông tin tốt, thành thạo, có kinh nghiệm trong dạy học trực tuyến.

- Ứng dụng các giải pháp công nghệ từng bước xây dựng trường học thông minh tại trường tiểu học Trần Nhân Tông, THCS Tống Văn Trân và một số trường học khác trên địa bàn tỉnh.

Kết quả thực hiện dự án giúp Giáo viên sử dụng thành thạo bảng tương tác, thiết kế và thường xuyên áp dụng bài giảng e-learning, khai thác và đóng góp cho khi dữ liệu mở, ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành và các phần mềm thí nghiệm ảo trong dạy học; dạy học tích hợp, dạy học trực tuyến, tổ chức thi và kiểm tra trên máy tính hoặc thiết bị máy tính bảng, thiết bị cầm tay của học sinh…

Xây dựng và thường xuyên cập nhật kho học liệu số dùng chung phục vụ cho giáo dục trong nhà trường. Ứng dụng dạy - học thông minh ở các khối lớp hiệu quả. Hoàn thiện giáo trình, bài giảng, học liệu số, chia sẻ học liệu với các giáo viên trong khối, trường. Triển khai hệ thống học tập trực tuyến, sử dụng các bài giảng trực tuyến của nước ngoài phù hợp với điều kiện trong nước. Hệ thống lớp học thông minh được trang bị các thiết bị trình chiếu bài giảng, phần mềm hỗ trợ giảng dạy, học liệu điện tử kết nối với kho dữ liệu và các thiết bị bổ trợ cho học sinh tương tác với giáo viên trên lớp học.

Chuyển đổi số trong giáo dục đã phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. Triển khai việc thanh toán học phí, lệ phí trực tuyến không dùng tiền mặt cho tất cả các trường học.

b. Chuyển đổi số trong xây dựng xã thông minh

Nghiên cứu, phát triển công nghệ xây dựng xã thông minh tỉnh Nam Định. Kết quả đề tài đã tổng hợp, đưa ra quan điểm về khái niệm xã thông minh và đề xuất mô hình xây dựng xã thông minh.

Đề xuất những giải pháp công nghệ xây dựng xã thông minh tỉnh Nam Định phù hợp với tình hình thực tế tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đề tài đã lựa chọn và đề xuất sử dụng giải pháp Microsoft Sharepoint cùng với hệ điều hành Windows Server và hệ quản trị CSDL MSSQL Server để xây dựng hệ thống phần mềm, ứng dụng xây dựng xã thông minh tỉnh Nam Định. Đây là giải pháp công nghệ đáp ứng đầy đủ ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích khi sử dụng để thiết kế phần mềm, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phù hợp, đồng bộ, thống nhất với phần mềm dùng chung của tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử, ĐTTM và chuyển đổi số, như: Trục chia sẻ, tích hợp dữ liệu GLSP, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, HTTT báo cáo, phần mềm quản lý văn bản và điều hành,….

Đề tài đã xây dựng 03 phần mềm: Hệ thống nền tảng kết nối các phần mềm dùng chung ở các xã, thị trấn; Ứng dụng di động cho công chức; Ứng dụng di động cho người dân doanh nghiệp để triển khai thử nghiệm xây dựng xã thông minh.

c. Chuyển đổi số trong du lịch

Ứng dụng triển khai số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm như: khu di tích đặc biệt quốc gia Đền Trần - Chùa Tháp; Khu di tích Phủ Dầy; Chùa Cổ Lễ… Chuẩn hóa nội dung số kết hợp công nghệ 3D, 4D để giới thiệu về điểm đến, các tour tuyến du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh. Gắn mã QR-Code cho các điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh với nền tảng du lịch thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận nhanh, sinh động, chính xác, đầy đủ thông tin về điểm đến.

d.Chuyển đổi số trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất

Trong lĩnh vực công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, đổi mới công nghệ áp dụng các công cụ hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh. Đặc biệt, Sở KH và CN đã triển khai Dự án “Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định”, đưa vào vận hành Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến được xây dựng hoàn thiện với tên miền là https://ndtex.vn thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng thông tin bán hàng cũng như tìm mua các sản phẩm công nghệ, thiết bị, bước đầu khẳng định được tính hiệu quả của thương mại điện tử mang lại và dần trở thành một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển “thị trường số” KH và CN trên địa bàn.

Đối với nông nghiệp, ưu tiên ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương như: lúa chất lượng cao, lúa giống, lạc, khoai tây, ngao, tôm, cá; một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; các sản phẩm OCOP của địa phương. Đến nay, đã có 52 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng tem điện tử thông minh (QR-Code) để truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho gần 150 dòng sản phẩm, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chống gian lận thương mại cho các sản phẩm nông sản thực phẩm. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các khâu không chỉ ở các doanh nghiệp lớn mà hàng trăm trang trại, cơ sở sản xuất, chế biến tư nhân cũng được thực hiện như sử dụng phần mềm nhật ký điện tử để theo dõi nhật ký sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

đ. Chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý nhà nước

Dự án chuyển đổi số công tác quản lý và điều hành tại Sở KH&CN tỉnh Nam Định đang được chuẩn bị triển khai. Kết quả dự án hướng tới cần đạt được: Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về hồ sơ, quá trình thực hiện, kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN của tỉnh Nam Định; Xây dựng hệ thống phần mềm cập nhật, lưu trữ, xử lý, khai thác các hồ sơ, quá trình thực hiện, kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh Nam Định; Triển khai hệ thống ngân hàng dữ liệu số và phần mềm tại Sở KH&CN tỉnh Nam Định; Kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu với các cơ sở dữ liệu ở các sở, ban, ngành trong tỉnh Nam Định và kết nối với cơ sở dữ liệu của Cục thông tin KH&CN Quốc gia (NASATI) hướng tới phát triển chính quyền điện tử tỉnh Nam Định.

3. Một số định hướng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần chuyển đổi số tỉnh Nam Định trong những năm tiếp theo

-  Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ KH&CN góp phần chuyển đổi số tỉnh Nam Định bao gồm: Chính quyên số; Kinh tế số và Xã hội số trong đó tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong chuyển đổi sốvào sản xuất và đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương.

- Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; công cụ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông min.

- Hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi số trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, phát triển kênh thương mại; tham gia các giải thưởng Chất lượng quốc gia,giải thưởng KH&CN./.

ThS. Trần Minh Hoan

Giám đốc sở KH&CN



image advertisement


 

anh tin bai

anh tin bai
image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định

Địa chỉ:  1A Trần Tế Xương, Tp Nam Định

Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 01/GP-TTĐT-STTTT ngày 05/2/2024

Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Hải Điền - Giám đốc sở KH&CN

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang