Hội nghị nghiệm thu đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh “Đánh giá tiềm năng di truyền và phục tráng, phát triển giống lạc sen Nam Định”
Ngày 15/10/2024,
Sở KH&CN tỉnh Nam Định tổ chức họp Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết
quả thực hiện đề tài cấp tỉnh “Đánh giá tiềm năng di truyền và phục tráng, phát
triển giống lạc sen Nam Định” do Trung tâm chuyển giao công nghệ và khuyến nông
chủ trì thực hiện.
Tham dự Hội nghị
có Đồng chí Trần Huy Quang – Phó Giám đốc sở KH&CN, chủ tịch Hội đồng, chủ
trì hội nghị; các đồng chí thành viên Hội đồng; phòng chuyên môn thuộc sở
KH&CN phụ trách theo dõi, quản lý đề tài và đại diện Lãnh đạo đơn vị, nhóm
thực hiện đề tài.
Tại tỉnh Nam Định,
Lạc Sen là một trong 3 loại cây trồng chủ lực của ngành trồng trọt, có lợi thế, tiềm năng khai thác thương mại và sản xuất hàng hóa cao nhờ những tính trạng
di truyền quý như: chất lượng ngon và khả năng chống chịu tốt. Đặc biệt, giá trị
thương mại của sản phẩm Lạc Sen rất cao. Tuy nhiên, hiện nay giống đang bị
thoái hóa do không được chọn lọc thường xuyên, có nguy cơ mất nguồn gen quý; Sản
xuất mang tính tự phát, chưa có quy hoạch vùng sản xuất gắn với nhu cầu thị trường
dẫn tới nguy cơ suy giảm chất lượng nguồn gen quý, .. Để ứng dụng các công cụ công nghệ sinh học
phân tử, đặc biệt là sử dụng chỉ thị phân tử để đánh giá đa dạng di truyền các
dòng lạc chọn lọc, phục vụ phục tráng, khai thác và phát triển nguồn gen, giải
quyết các vấn đề tồn tại nêu trên, Trung tâm chuyển giao công nghệ và
khuyến nông đã triển khai thực hiện đề tài “Đánh giá tiềm năng di truyền và
phục tráng, phát triển giống lạc Sen Nam Định” với mục tiêu xác định được tiềm
năng di truyền về một số tính trạng nông học có ý nghĩa của nguồn gen và tiến
hành phục tráng để phát triển giống lạc Sen đặc sản của tỉnh Nam Định.
Sau hơn ba năm triển khai thực hiện,
nhóm nghiên cứu đã thu thập số liệu, tài
liệu thứ cấp (số liệu thống kê, báo cáo tổng kết 3 năm 2019 - 2021) và điều tra
300 hộ nông dân; Đánh giá được các đặc
điểm nông sinh học của giống lạc Sen theo QCVN 01-57:2011/BNNPTNT và
TCVN12181:2018, từ đó có cơ sở xây dựng được bản mô tả giống lạc Sen với 14
tính trạng đặc trưng của giống; Phân tích đánh giá đa dạng di truyền của 20 dòng lạc Sen trên 32 chỉ thị;
xác đinh được 5 chỉ thị phân tử: TC9H09; TC11A04; TC3A12; TC4G02; TC9F10
có liên kết với các QTL kháng bệnh gỉ sắt, có thể áp dụng để sàng lọc các dòng
lạc Sen có khả năng kháng bệnh gỉ sắt; Đánh giá, chọn lọc 500 cá thể G0 (vụ thứ 1) kết
quả thu được 225 cá thể. Lựa chọn được 150 dòng G1 (vụ thứ 2) kết quả đạt được
115 dòng G1 đạt yêu cầu. Lựa chọn 50 dòng G1 sản xuất được 437/300 kg hạt giống lạc Sen ở cấp siêu
nguyên chủng, vượt 145,67%; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật giống lạc Sen Nam Định;
xây dựng 02 ha mô hình trình diễn thâm canh giống
lạc Sen sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng cao, ít sâu bệnh; đã đào tạo được
60 lượt người và 01 Hội thảo giới thiệu về kết quả đề tài.
Tại hội nghị, thành viên hội đồng cũng
đưa ra những ý kiến góp ý cũng như những
câu hỏi đối với chủ nhiệm đề tài và đơn vị chủ trì các vấn
đề cần làm rõ. Trên cơ sở đã xem xét, nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, báo cáo; kết quả góp ý, nhận xét, đánh giá của các thành viên. Hội đồng đã thống nhất nhóm thực hiện đề
tài và đơn vị chủ trì đã hoàn thành các công việc như thuyết minh đề ra và đủ
điều kiện nghiệm thu.
Kết
luận hội nghị, đồng chí Trần Huy Quang – Phó Giám đốc sở KH&CN đánh giá cao
tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm của nhóm thực hiện đề tài. Nhóm nghiên cứu
đã triển khai đầy đủ các nội dung theo thuyết minh đề ra. Đảm bảo đủ số lượng các sản
phẩm của đề tài. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cần chỉnh sửa lại cấu trúc của
báo cáo cho logic; thống nhất về cách tính toán số liệu trong báo cáo; bổ sung
thêm phần thông tin về giống lạc Sen (Lạc Đỏ) Nam Định, trong đó đặc biệt mô tả
về phần đặc tính cũng như tính khác biệt của Lạc Đỏ Nam Định so với các địa phương
khác./.
Thanh Hải