Xuân Trường tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống

Những năm gần đây, huyện Xuân Trường đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH và CN) vào sản xuất, đời sống. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công việc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

anh tin bai
Nghiên cứu chế biến các sản phẩm đồ uống có nguồn gốc tự nhiên tại phòng nghiên cứu của Công ty TNHH Green & Book Ambassadors, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường). 

Hội đồng KH và CN huyện Xuân Trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở đẩy mạnh hoạt động KH và CN góp phần tích cực hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Đài truyền thanh các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ, quản lý chất lượng hàng hóa và các văn bản luật pháp liên quan đến sự nghiệp phát triển KH và CN nhằm tác động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của KH và CN đối với kinh tế - xã hội cho mọi tầng lớp, thành phần kinh tế trên địa bàn. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH và CN, huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều đề tài, dự án KH và CN có tính ứng dụng, hiệu quả cao. Tiêu biểu như huyện đã phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện Đề tài KH và CN cấp tỉnh “Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm nước thải làng nghề cơ khí và thiết kế xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định”. Sản phẩm thu được là hệ thống các giải pháp quản lý, kỹ thuật xử lý nước thải và 1 mô hình thí điểm cho các hộ dân làng nghề xã Xuân Tiến áp dụng. Hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước, tại các cụm công nghiệp, làng nghề ngày càng gia tăng; do vậy sản phẩm đề tài thu được có ý nghĩa lớn trong công tác khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường tại xã Xuân Tiến và huyện Xuân Trường nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung. 

Trước tình trạng bệnh lúa cỏ (lúa ma, lúa dại) xuất hiện tại một số xã, thị trấn trên địa bàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng gạo và là nguồn lây lan mạnh ra các vụ tiếp theo, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã phối hợp triển khai Đề tài KH và CN cấp tỉnh “Hoàn thiện quy trình tổng hợp trong xử lý lúa cỏ trên địa bàn huyện Xuân Trường”. Qua điều tra, đánh giá về đặc điểm, hình thái, những tác hại và nguyên nhân xuất hiện, lây lan của lúa cỏ, Trung tâm đã đưa ra các giải pháp hạn chế như: sử dụng các giống lúa có phẩm cấp xác nhận hoặc nguyên chủng, đặc biệt không sử dụng các giống xuất xứ từ vùng đã bị nhiễm lúa cỏ để gieo cấy; hạn chế tối đa gieo sạ trên những diện tích đã bị nhiễm lúa cỏ; làm đất kỹ, đặt lưới mắt dày tại đầu kênh mương dẫn nước vào ruộng nhằm ngăn chặn hạt lúa cỏ xâm nhập. Với diện tích ruộng bị nhiễm lúa cỏ nặng cần khoanh vùng, nhổ, cắt bỏ, tiêu hủy triệt để ngay, không để lúa cỏ đã nhổ, cắt bỏ trên ruộng, bờ ruộng để ngăn hạt lúa rụng nhằm hạn chế nguồn lây; tiến hành nhổ, cắt bỏ lúa cỏ vào thời điểm sau gieo cấy, khi lúa làm đòng và khi lúa bắt đầu trỗ, chắc xanh, không để tồn gốc cho lúa cỏ tái sinh trở lại… Nhờ đó, đến nay tình trạng lúa cỏ trên địa bàn huyện đã được kiểm soát giảm mật độ từ 50-80% tại 5 xã có tỷ lệ nhiễm lúa cỏ cao. Ngoài ra, huyện còn triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH và CN như: Dự án “Phục tráng lúa tám ấp bẹ, lưu giữ nguồn gien và xây dựng nhãn hiệu gạo tám Xuân Đài huyện Xuân Trường”; xây dựng mô hình “Xã chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường xã Xuân Ngọc”; Dự án “Nuôi cá an toàn sinh học công nghệ cao tại Xuân Hòa”… đã chuyển giao, ứng dụng nhanh vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị thu nhập.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ KH và CN, huyện Xuân Trường còn khuyến khích các ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư triển khai và nâng cấp các ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực sản xuất: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, nâng cao hiệu năng sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, sẵn sàng tiếp nhận và tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh ở 4 cụm công nghiệp, 7 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn đã mạnh dạn mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, khai thác hiệu quả mặt bằng và cơ sở vật chất hiện có. Trong đó nổi bật là Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh thương mại tổng hợp Vĩnh Phát xây dựng dây chuyền xử lý rác thải công suất 8-12 tấn/ngày tại xã Thọ Nghiệp, hàng năm doanh thu ước đạt 3 tỷ đồng, lợi nhuận 700 triệu đồng; Công ty TNHH một thành viên Cơ khí và Thương mại Song Minh, thị trấn Xuân Trường đầu tư hệ thống máy tiện, máy hàn, ứng dụng công nghệ nhiệt sản xuất thành công máy sản xuất dây đai nhựa PP 1 sợi doanh thu mỗi năm đạt trên 1,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Cơ khí chế tạo máy Đông Đô, thị trấn Xuân Trường nghiên cứu chế tạo thành công máy sản xuất dây đai, dây buộc nhựa PP… Một số doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ theo chuỗi liên kết gắn với các ngành nghề của các huyện xung quanh Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh. 

Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện Xuân Trường đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện huyện đã xây dựng được 81 cánh đồng lớn trong cả 2 vụ lúa với quy mô trên 3.000ha; trong đó có 9 cánh đồng liên kết gắn với cơ giới hóa đồng bộ sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân để sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao tại 7 xã, thị trấn: Xuân Ninh, Xuân Kiên, Xuân Tiến, Xuân Thượng, Xuân Phong, Xuân Vinh và Xuân Trường. Ngoài ra có 6 doanh nghiệp tích tụ trên 300ha để sản xuất hạt giống lúa lai F1, lúa chất lượng cao, rau củ hàng hóa và 87 hộ cá thể tích tụ gần 500ha sản xuất lúa chất lượng cao. Chăn nuôi phát triển theo hình thức trang trại, gia trại áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại như: chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng VietGAHP, xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ sinh học, biogas... nhằm hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Điển hình là trang trại chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGAHP áp dụng công nghệ chuồng kín của Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Phú Lộc, xã Xuân Thượng; mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu triển khai ở xã Xuân Thủy với 400 con lợn thịt góp phần hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng thu nhập cho người chăn nuôi…

Việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào đời sống, sản xuất đã góp phần tích cực đưa kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện Xuân Trường phát triển khá. Diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khang trang, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, giúp Xuân Trường đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao./.

Nguồn: baonamdinh.vn



image advertisement


 

anh tin bai

anh tin bai
image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định

Địa chỉ:  1A Trần Tế Xương, Tp Nam Định

Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 01/GP-TTĐT-STTTT ngày 05/2/2024

Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Hải Điền - Giám đốc sở KH&CN

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang